image advertisement
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bài tuyên truyền nhân kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ( 30/4/1975 - 30/4/2023)

Trong chiều dài lịch sử dân tộc, ngày 30-4-1975 là một cột mốc vĩ đại, kết thúc "cuộc chiến 10.000 ngày", mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta - Kỷ nguyên của độc lập, tự do, chung sức, đồng lòng dựng xây đất nước. Để có ngày hôm nay, chúng ta phải nhận thức rõ giá trị cuộc sống từ những hy sinh vô giá của lớp lớp cha anh đi trước.

Khát vọng hòa bình luôn là lý tưởng cao đẹp mà loài người phấn đấu và hướng tới. Những người đã trải qua chiến tranh, chịu đựng những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra mới có thể cảm nhận giá trị vĩnh viễn và to lớn của hòa bình, mới thực sự có thiện chí hòa bình và mới có thể biến khát khao hòa bình thành hiện thực.

Đã 48 năm non sông thu về một mối, Tổ quốc ta liền một dải nhưng dấu tích và nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn đó. Với "cuộc chiến 10.000 ngày", thử hỏi có mảnh đất nào, gia đình nào trên đất nước thân yêu hình chữ S này không phải gánh chịu hậu quả? Cái giá mà nhân dân Việt Nam phải đánh đổi để giành lấy hòa bình, độc lập không hề nhỏ nhưng vì chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do", dân tộc ta đã không quản gian khó, không ngại hy sinh để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Để tới được cái đích là hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có khoảng 3 triệu người Việt Nam nằm xuống khắp mọi miền của Tổ quốc. Ngay tại những Nghĩa trang liệt sĩ của các địa phương, giờ này vẫn còn hàng vạn người con của dân tộc chưa có tên trên bia mộ, vẫn còn hàng nghìn gia đình trong cả nước mang nỗi đau vì chưa có thông tin về người đã khuất. Tại Côn Đảo - nơi được ví là "địa ngục trần gian" của một thời giông bão trong hành trình giành khát vọng độc lập và tự do của dân tộc - hơn hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngã xuống và mãi nằm lại mảnh đất này. Nhưng đến nay chỉ quy tập được chưa tới 2.000 ngôi mộ, trong số này mới hơn 700 ngôi mộ có tên tuổi. Rồi trong hòa bình, máu vẫn đổ khi số bom mìn của chiến tranh nằm trong lòng đất mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội.

Hãy hình dung mẹ Nguyễn Thị Thứ (quê:Quảng Nam) cũng như hàng triệu mẹ Việt Nam đón nhận tin Đại thắng mùa Xuân 1975 bằng niềm vui sướng tột cùng và bằng cả nỗi chờ mong những đứa con đi xa trở về, thế nhưng 11 người con và cháu của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại khắp các chiến trường để đất nước có ngày hôm nay. Và ai đã một lần đến thăm Làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) chắc không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến những di chứng kinh hoàng của chiến tranh khiến bao số phận phải chung sống với chất độc da cam/dioxin trong dị tật và đau đớn…

Đặc biệt, cuốn nhật ký của nữ bác sĩ - Anh hùng Đặng Thùy Trâm được xuất bản dưới tựa sách "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình" bằng nhiều thứ tiếng đã trở thành thông điệp hòa bình của một người con gái Việt Nam thay mặt lớp người "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" gửi tới toàn nhân loại. Bản thân cuộc hành trình của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm cũng đã thể hiện một khát khao hòa bình cháy bỏng bởi chính người lưu giữ cuốn nhật ký là một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và những ký ức kinh hoàng về chiến tranh còn ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.

Kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về giá trị của hòa bình - độc lập. Có thể nói, khát vọng của dân tộc Việt Nam là hòa bình. Từ ngàn đời nay các bậc hào kiệt, anh hùng của đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh đều dành tâm sức, trí tuệ để "mở nền thái bình muôn thuở", lấy "nhân nghĩa" để "yên dân", để thắng hung tàn, cường bạo.

Ngay giữa trái tim của Thủ đô, sự tích hồ Hoàn Kiếm là di sản văn hóa có một không hai về lòng khát khao hòa bình của dân tộc Việt Nam - Một dân tộc yêu hòa bình ngay cả trong huyền thoại. Thời khắc 30-4-1975 có lẽ đã trở thành khúc khải hoàn đáng nhớ nhất trong bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ước vọng hòa bình, non sông nối liền một dải thành hiện thực kể từ giây phút ấy. Nhưng để đi tới cái đích cuối cùng, có được ngày độc lập, là những năm tháng trường chinh cả dân tộc hành quân ra trận, cái giá của hòa bình được đổi bằng máu xương của các thế hệ đi trước.

Chúng ta yêu hòa bình, chúng ta phải làm tất cả vì hòa bình. Đó là kết tinh lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta. Dẫu còn muôn vàn gian khó để trở thành cường quốc, nhưng lòng khát khao hòa bình của dân tộc, sức mạnh chiến thắng của chính nghĩa luôn thuộc về chúng ta. "Dựng nước đi đôi với giữ nước" đã thành quy luật phát triển của dân tộc ta. Lịch sử dân tộc ta thật hào hùng, ghi nhận biết bao sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền đất nước là trách nhiệm chính trị thường trực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong tình hình mới, cụ thể là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự ổn định chính trị - an ninh xã hội và con đường đi lên CNXH, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Hòa bình và ổn định chính trị chính là nền tảng để phát triển đất nước, đây là điều mà mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt. Hòa bình và sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Hòa bình và sự ổn định chính trị cũng chính là phương thuốc hữu hiệu nhằm tiêu diệt tận gốc những virus xấu, độc mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang gieo rắc thông qua chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền"... trong chiến lược "diễn biến hòa bình" mà chúng đang ráo riết thực hiện thời gian qua.

Kế thừa và thực hiện sáng tạo tư tưởng của cha ông "Đem đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo" để "mở nền thái bình muôn thuở" không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn vì hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Từ "muốn là bạn" (Đại hội VII, VIII), "sẵn sàng là bạn" (Đại hội IX), "là bạn và đối tác tin cậy" (Đại hội X), Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung thêm là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", thể hiện quá trình trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động và có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu.

Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam là những nhân tố quyết định, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và mai sau là trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị đó để giữ vững non sông gấm vóc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Ngày 30/4/1975, một ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là ngày hòa bình được lập lại, Nam Bắc thống nhất, non sông về một mối. Ý nghĩa và giá trị của ngày 30/4 luôn sống mãi với lịch sử của đất nước, của dân tộc. Và giá trị ấy vẫn được giáo dục và trao truyền qua nhiều thế hệ, trong đó có giá trị của hòa bình.

Cơ quan chủ quản: Xã Yên Tân- Huyện Ý Yên
Địa chỉ: Xã Yên Tân - huyện Ý Yên- tỉnh Nam Định
Email: xayentan.yyn@namdinh.gov.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang