image advertisement
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kiên quyết xử lý dứt điểm hoạt động của các loại xe công nông, xe ba gác, xe tự chế
Theo Chỉ thị số 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 32 của liên Bộ Công an và Giao thông vận tải, kể từ ngày 1/1/2008, các loại xe “tự chế”  bao gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và xe thô sơ 3, 4 bánh, xe cơ giới 3 bánh nếu không làm thủ tục đăng ký, cấp biển số theo quy định hiện hành sẽ bị cấm lưu hành (trừ xe cơ giới 3 bánh dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật có đăng ký biển số). 

    Sau nhiều năm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến phương tiện tự chế như đẩy mạnh tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Nhà nước và các bộ, ban, ngành; tuần tra, rà soát, thống kê các phương tiện xe tự chế trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; hỗ trợ chủ phương tiện chuyển đổi thì tình hình hoạt động của các loại xe công nông, xe ba gác, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, tình trạng các loại xe công nông, xe gắn máy, xe 3, 4 bánh tự chế không được phép lưu hành vẫn lén lút hoạt động trên địa bàn huyện, chủ yếu dùng để chở hàng hoá và vật liệu xây dựng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý và xử lý dứt điểm.

anh tin bai

Xe công nông chở vật liệu xây dựng vẫn "lén lút" lưu thông trên đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT

        Thực tế cho thấy, với đặc thù là phương tiện vận chuyển giá rẻ, lại dễ di chuyển trên các tuyến đường giao thông nông thôn nên các loại xe thô sơ, xe 3 bánh, xe tự chế luôn là sự lựa chọn của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và Nhân dân trên địa bàn khi có nhu cầu vận chuyển hàng hoá. Qua ghi nhận, là địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống như chế biến gỗ, cơ khí đúc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa ghép nên số lượng xe tự chế được sử dụng khá phổ biến tại nhiều địa phương trong huyện. Mặc dù vậy, đặc điểm của các loại xe này là xe “nhiều không” vì đa số phương tiện trên đều được chế tạo tự phát không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, chắp vá từ nhiều vật liệu khác nhau, thậm chí được lắp ghép từ phụ tùng của các xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, không được các cơ quan chuyên môn kiểm định tiêu chuẩn kỹ thuật, hơn nữa người điều khiển hầu như không được đào tạo, không có giấy phép lái xe, lại chở hàng hoá rất cồng kềnh, che khuất tầm nhìn nên khi lưu thông trên đường sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đã có không ít vụ TNGT xảy ra trên địa bàn có liên quan đến các loại xe công nông, xe độ chế, mà phần lớn người điều khiển phương tiện rơi vào các lỗi: Lái xe không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ, thiết bị an toàn kỹ thuật không đảm bảo.

        Quy định đã có từ lâu và nguy hiểm, bất cập là thế song khó khăn lớn nhất trong xử lý các trường hợp vi phạm là người điều khiển phương tiện thường hoạt động lén lút, né tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Mặt khác, do yếu tố “cung – cầu”  và nhiều phương tiện được xem là “cần câu cơm” của người lao động nên công tác xử lý nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa thực sự quyết liệt. Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển các loại xe ô tô, xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trái quy định (bao gồm xe công nông) tham gia giao thông; phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với các hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, áp dụng tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe khi điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông.

        Để siết chặt công tác quản lý và xử lý dứt điểm tình trạng các loại xe tự chế hoạt động trên các tuyến giao thông, góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do các phương tiện này gây ra, thời gian qua, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn cùng tham gia phối hợp thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là các chủ phương tiện xe tự chế nắm rõ quy định, đồng thời vận động các chủ xe tự giác chấp hành, tham gia ký cam kết tháo dỡ phương tiện, không cho người khác thuê sử dụng và chuyển đổi công việc hoặc chuyển đổi phương tiện khác được pháp luật cho phép lưu hành. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, tổng hợp, lập danh sách các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe tự chế và tổ chức cho các chủ cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Tính riêng trong năm 2023, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt 785 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền trên 2,1 tỉ đồng; xử lý 452 doanh nghiệp, cá nhân sử dụng xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế; tịch thu 19 phương tiện vi phạm, 15 xe bồn chở bê tông tự chế; tổ chức ký cam kết đối với 350 chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ phương tiện không sản xuất, lắp ráp, kinh doanh, đưa phương tiện tự chế tham gia giao thông.

        Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe tự chế, thời gian tới, Đội CSGT-TT, Công an huyện sẽ tiếp tục tăng cường mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; đồng thời kiên quyết tạm giữ phương tiện xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý và tịch thu theo quy định. Qua đó, góp phần làm giảm tình trạng xe tự chế lưu thông trên các tuyến đường, đảm bảo an toàn cho cả người lái xe và người tham gia giao thông.

        Ngoài sự nỗ lực của lực lượng công an, để chấm dứt được tình trạng xe tự chế 3, 4 bánh tham gia giao thông trên địa bàn huyện cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong việc phối hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, vì sự an toàn của người tham gia giao thông, các chủ phương tiện cũng cần nhận thức rõ hơn những nguy cơ, rủi ro khi lưu thông bằng những loại phương tiện này, chủ động thực hiện chuyển đổi phương tiện, ngành nghề kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cơ quan chủ quản: Xã Yên Tân- Huyện Ý Yên
Địa chỉ: Xã Yên Tân - huyện Ý Yên- tỉnh Nam Định
Email: xayentan.yyn@namdinh.gov.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang